[giaban] [/giaban]
[giamgia] [/giamgia]
[tomtat] [/tomtat]
[kythuat]Đến với hang Mahapasana The Great Sima và tượng Phật nằm khổng lồ

Mà chùa nào cũng nguy nga, lộng lẫy. Đâu đâu cũng thấy dát vàng. Các chùa đều vào tự do, miễn phí.


Anh bạn người địa phương mà tôi mới quen cho biết dân Myanma kiếm được tiền chỉ giữ lại 1 phần nhỏ cho cuộc sống giản dị của gia đình. Số tiền còn lại mang cúng vào chùa để xây chùa, vào các thiền viện để duy trì tăng thân. Tôi bái phục. Và từ khi biết tin này hầu như gặp người Myanma nào cũng muốn xá lạy.

Tôi mê đất nước và con người Myanmar với 7 bang và 7 vùng hành chính từ ngày đầu khi đặt chân đến đây. Tôi nhận ngay ra rằng, dù có nhiều nền văn hóa bản xứ tồn tại ở Myanma, văn hóa chiếm vị trí trọng yếu là Phật giáo.Cũng cần nhớ rằng Phật giáo ở Myanma là Thượng Tọa Bộ, hay tên khác là Phật Giáo Nguyên Thủy. 

Chúng tôi bất ngờ khi được có mặt tại hang Mahapasana The Great Sima. Hang này còn có tên là hang Đá Lớn (tiếng anh là Great Stone Cave). Hang được xây dựng giống như phiên bản chính của hang Satta Panni bên xứ Ấn Độ (Tôi sẽ viết 1 bài khác về hang bên xứ Ấn Độ này sau). Hang được sử dụng cho các đại hội Phật giáo lớn, nhất là đại hội đầu tiên của Phật giáo Myanmar. Cũng không mấy ai biết rằng hang Mahapasana có vinh dự là nơi diễn ra đại hội kiết tập kinh điển thế giới lần thứ 6 kép dài 2 năm, từ 1954 đến 1956, nhân dịp kỷ niệm 2.500 năm Đức Phật thành đạo. Tại đại hội này, hơn 2,500 nhà sư đã tham dự. Quá tuyệt vời!

Có mặt tại đây, tôi thấy rõ sự linh thiêng của hang. Tôi như cảm nhận rõ những lời kinh linh thiêng và quý giá của Đức Phật. Tôi như thấy quanh mình là những người con của Phật, những người đang trên con đường giác ngộ và giải thoát. Tôi chậm rãi bước từng bước. Tôi thở nhẹ từng hơi để cảm nhận năng lượng và lòng từ bi của chư Phật và các vị thánh tăng. Bởi tôi biết rất rõ rằng hang Mahapasana vẫn được sử dụng cho các nghi lễ thiêng liêng, các hội nghị quốc tế lớn về Phật giáo, rằng hang cũng là 1 trong những thánh tích của bất cứ cuộc hành hương nào.

Tôi may mắn chụp ngay được 8 bức ảnh với 8 triết lý – kỳ quan của Đạo Phật. Đây như là 8 lời dạy quý giá nhất của Đức Thế Tôn được đúc kết lại, đươch chắt lọc lại. Tôi hiểu rằng, các nhà sư đứng đầu Phật giáo đã chọn ra những lời dạy vàng này để lưu lại. Chữ được làm bằng vàng, treo trang trọng trong khung với cả 2 thứ tiếng Myanma và Anh. Tôi nghĩ, nhất định mình sẽ viết 1 bài riêng, dịch và nhờ quý Thầy bình và phân tích giúp những kỳ quan bằng lời này của Đức Phật.

Bạn có biết rằng, trong khắp mọi miền quê của đất nước Myanma, chùa chiền luôn là trung tâm của đời sống văn hóa. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng.

Lễ nhập tu được gọi là shinbyu là lễ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng nhất của một chú bé khi vào chùa tu trong một khoảng thời gian ngắn. Theo Phật giáo Nam Tông (Nguyên Thủy) ai cũng có thể xuất gia gieo duyên và thành nhà sư sống trong chùa 1 thời gian từ 1 tuần đến vài năm để tu tập. Bản thân tôi cũng đã 2 lần xuất gia như vậy, 1 lần 7 ngày và 1 lần 8 ngày.

Lần đầu năm 2010, tôi xuất gia gieo duyên với vị sư nổi tiếng Myanmar, Thiền sư Ashin Tejaniya, Viện trưởng của thiền viện Shwe Oo Min Dhammasukha. Ngài trực tiếp thọ giới cho tôi. (Tôi đã viết trong bài “Doanh nhân làm nhà sư 7 ngày”).

Lần thứ 2 tôi xuất gia gieo duyên 8 ngày tại Ấn Độ và Nepal nơi Đức Phật sinh ra và thành đạo. Tôi được đắp y và có mặt tại Tứ Động Tâm linh thiêng với những ngày khó quên. Quý giá và cảm động biết bao

Song song với hang đá nổi tiếng và linh thiêng Mahapasana The Great Sima, chúng tôi đến thăm chùa Chauk Htat Gyi với pho tượng Phật nằm khổng lồ. Pho tượng Phật khổng lồ Tôi thật sự thấy Ngài rất đẹp. Nhất là nụ cười. Mắt Ngài như nhìn tôi tràn ngập tình yêu thương Ngài như truyền năng lượng và lòng từ bi đến cho tôi, 1 Phật tử sơ cơ, kém duyên, thiếu phước. 

Cũng tại đây, Đại Đức Thích Minh Đồng cũng hướng dẫn cả đoàn (16 tăng ni và 16 Phật tử) làm lễ rất trang nghiêm. Chúng tôi cúng dàng hoa tươi, đảnh lễ Ngài rất thành kính. Thầy Minh Đồng không quên cho chúng tôi đi nhiễu quanh Ngài và niệm danh hiệu của Đức Bổn Sư.

Nếu bạn có cơ hội đi Myanmar, bạn có thể tìm chùa Chauk Htat Gyi nơi có bức tượng Phật nằm lớn này trên phố Shwe Gon Taing, của thành phố Yangon. Ở thành phố này còn có 2 bức tượng khác tương tự, một ở chùa Ngar Htat Gyi Buddha cao 5 tầng, một tạo chùa Koe Htat Gyi cao 9 tầng. Còn pho tượng chúng tôi được chiêm bái tại chùa Chauk Htat Gyi cao 6 tầng.

Trước chuyến đi tôi cũng đã đọc về chùa Chauk Htat Gyi và biết rằng pho tượng Phật nằm được xây dựng năm 1966 thay cho bức tượng cũ được xây năm 1907 bởi Ngài Hpo Thar nhưng đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng vì lý do khí hậu trong suốt hàng chục năm. Nhưng đến đây mới biết thêm rằng người có công xây bức tượng quý hiếm và lớn này lại là một… thương gia. Ngài chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm thời đó. Tại ngôi chùa còn ghi rõ rằng năm 1957, bức tượng Phật nằm cũ được tháo dỡ để năm 1966 được tái xây dựng. Chiều dài chính xác của Ngài là 65 mét. Cũng cần nói thêm rằng, toàn bộ tiền tái xây dựng bức tượng vĩ đại này là do sự đóng góp thiện nguyện của người dân địa phương.

Đọc và tim hiểu xong, tôi lặng người đi và dành thêm thời gian ngồi thiền và đi nhiễu quanh Ngài. Trời khi đó mưa khá to. Tôi như thấy rằng Đức Phật linh thiêng đang rửa bụi trần. 

Kết thúc chương trình chiêm bái Phật, tôi ra ngoài và trời vẫn mưa. Tôi để đầu trần để nước mưa ngấm vào người. Hình như, tôi đang được Ngài cho thanh lọc thân tâm. Hình như Đức phật đang nhắc tôi cần tinh tấn hơn nữa, tránh tham sân sy hơn nữa. Tôi biết, Đức Phật đã quanh tôi, bên tôi và trong tôi.






 [/kythuat]
[mota] [/mota]




Nhận xét