[giaban] [/giaban]
[giamgia] [/giamgia]

[tomtat]Không nhiều quốc gia đa sắc tộc như Myanmar . Giờ có khoảng 150 nhóm khác nhau, đó là vấn đề Myanmar phải đối đầu, nhất là mỗi khi có xung đột xảy ra. Nhưng nhìn chung người Myanmar hiền. [/tomtat]
[kythuat]Người Myanmar đầu tiên chúng tôi gặp trong trang phục truyền thống là một tài xế taxi đón khách ở sân bay. Anh chàng không to con với một chiếc xà rông quấn rất lạ. Không như của người Lào, người Thái, người Chăm (Việt Nam), xà rông Myanmar được quấn phẳng phiu phía sau, trước bụng là một cục to đùng, bằng chai bia lùn 333. Mỗi bước đi của anh chàng, cục to đùng ấy rung rinh, lúc lắc, nhìn rất ngộ. Chúng tôi thảy đều quan tâm tới nó, có lẽ trong mỗi người có mỗi ý nghĩ khác nhau. 


Đàn ông Myanmar hay ăn trầu, chúng tôi nhìn thấy trên đường phố những anh lính mang súng đi tuần miệng đều đều nhai trầu, môi đỏ tươi. Rõ nhất là đi taxi, các bác tài bọc theo một gói trầu têm sẵn, miếng này ngót ngót lại bỏ tiếp miếng kia vào nhai. Mùi trầu thấm đẫm không gian chật hẹp của chiếc xe. Tuy vậy, tuyệt nhiên không có ống nhổ, họ ăn trầu và nuốt cả nước.

Phụ nữ Myanmar ít trang điểm và tuy trời nắng nóng cũng không thể tìm thấy một người dùng khẩu trang che mặt như ở Việt Nam. Họ đi bộ trên chiếc dép xỏ ngón mà ta hay gọi đại là dép Lào. Trên mặt, phụ nữ dùng một loại phấn thảo dược có mùi thơm để bôi. Nhưng họ chỉ bôi đúng phần má khiến nó trắng nổi bật chứ môi, mắt…đều để tự nhiên. Có lẽ đó là quan niệm về nét đẹp của phụ nữ Myanmar . Đại sứ Chu Công Phùng đã mua sẵn tặng mỗi người một lọ kem này, chúng tôi náo nức dùng ngay. Hóa ra nó không chỉ thơm mà còn có chất bay hơi mạnh khiến da mặt rất mát. Nhưng nó không hẳn mịn như kem phấn bình thường của Thorakao, Lan Hảo…mà để lại trên mặt những vệt nho nhỏ bằng chất xơ.

Phụ nữ Myanmar ăn mặc cũng khá đơn giản, do thành phố Yangon cấm xe máy nên họ thường dùng những chiếc dù đội đầu khi đi ra đường. Chiếc dù và cặp lồng bằng nhôm có 4 ngăn là thứ chúng tôi thường thấy đi kèm với người Myanmar, nhất là các nhà sư. Lý giải về chiếc cặp lồng là trên đường phố rất ít quán ăn.

Đàn ông Myanmar mặc xà rông nhưng người Shan lại mặc quần. Những chiếc quần của họ rất rộng, làm bằng vải thô, mềm tiện lợi cho hoạt động tay chân. Người Shan sống trên hồ Inlay có tài chèo thuyền bằng chân. Họ đứng vững ở mũi thuyền rồi dùng chân vừa giữ vừa di chuyển mái chèo. Tôi thấy cái chân ở đây được dùng giống như người Việt làm cọc chèo. Cách chèo này khá vất vả vì cả thân người phải chuyển động nhiều. Nhưng có lẽ họ đã rất quen thuộc nên thảng hoặc mới thấy có người chèo bằng tay.

Ở cao nguyên Shan có một tộc người bạn hay thấy trên tivi với chiếc cổ dài. Tôi đã từng tưởng các vòng ấy được bổ sung từng chiếc theo chiều dài của cổ. Nhưng tôi nhầm, nó là một ống dài được uốn theo hình tròn. Người đeo vòng cổ phải đeo 24/24 giờ và cả đời. Nó khá nặng và cứng vì vậy không thể nói dễ chịu với người đeo. Cả nhóm thích thú chụp hình với người phụ nữ mà hẳn có nhiều lần bạn nhìn thấy trên tivi. Một cô bé khoảng 10 tuổi rất xinh đẹp cũng đi theo con đường này với chiếc vòng cổ ánh lên màu vàng đồng.

Người Myanmar có cách đặt tên rất lạ, không theo họ cha, họ mẹ, tên anh em không có mối liên kết nào. Thường họ lấy ngày được sinh ra trong tuần kèm theo 1,2 chi tiết nhỏ nữa để đặt tên. Một tuần chỉ có 7 ngày, vì thế người Myanmar trùng tên rất nhiều.

Đất nước Myanmar trải qua nhiều biến động, thăng trầm. từ một nước giàu có nay đang là nước nghèo. Tuy vậy tài nguyên của Myanmar rất lớn, ngoài đá qúy và ngũ cốc họ còn có nhiều điều kiện nữa để phát triển trong vài năm tới. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam đã tìm đến đây. Trên đường đi, chúng tôi đã thấy bảng hiệu của ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam- BIDV-. Nghe nói Viettel cũng đã có mặt. Đi qua một xóm nghèo, bất chợt tôi nhìn thấy một vườn Thanh Long xanh tốt. Sự có mặt của thứ trái cây đặc trưng Bình Thuận khiến tôi thấy ngạc nhiên và tò mò. Thanh Long ở đây cũng được trồng theo phương pháp dựa vào trụ đỡ chứ không cho cộng sinh trên cây khác như ở Việt Nam những năm Thanh Long mới du nhập vào. Tuy nhiên, đây chỉ là thử nghiệm, bởi nghe nói vị của trái chua, không ngọt thanh như Thanh Long Bình Thuận của Việt Nam, và chắc kém Thanh Long Thái Lan.

Ở Myanmar đến 5 ngày và đi rất nhiều nhưng tôi chưa từng thấy người ta cãi nhau, đánh nhau. Tại chợ là nơi dễ xảy ra xích mích cũng vậy, chúng tôi lựa đồ, trả giá, mua, không mua…đều thoải mái trước nụ cười hiền lành và dè dặt của người bán. Đặc biệt người Myanmar rất cảm tình với người Việt Nam.

Hẳn Myanmar chưa giàu và chưa mở cửa thoáng như Việt Nam nhưng với cung cách dễ mến, chân thật của người dân, có lẽ họ sẽ chiếm được sự tin tưởng và tình cảm của người nơi xa đến làm ăn và tham quan.  [/kythuat]
[mota] [/mota]



Nhận xét