Đức Phật thuyết pháp cứu độ chúng sanh tròn đủ 45 năm, kể từ ngày Phật thành đạo cho đến khi Phật nhập Niết bàn, trong 45 năm ấy chia làm 3 thời kỳ: thời kỳ 15 năm đầu gọi là PATHAMABODHIKÀLA, 15 năm giữa gọi là MAJJIMABODHIKÀLA, 15 năm cuối gọi là MAJJIMABODHIKÀLA, chính khoảng 15 năm giữa MAJJIMABODHIKÀLA Đức Phật cho phép làm lễ dâng Đại Y KATHINA...

Đại lễ Tăng Y Kathina là đại lễ hằng năm duy nhất được chính Đức Phật và chư Phật quá khứ ban hành. Trong cung cách cúng dường một bộ y đặc biệt với một số luật định khiến đại lễ nầy trở thành một thắng duyên cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Để tìm hiểu về đại lễ nầy cần đi vào một số chi tiết quan trọng chứ không thể nhận định qua một vài khái niệm.

I. Vài điều cần biết tiên khởi :

a. Nhập hạ (Vassà):

Thời Đức Phật tại thế, Ngài và chư Tăng có nếp sống du phương nghĩa là đi từ nơi nầy sang nơi khác để hoằng hoá. Thời tiết tại Ấn Độ từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm Tháng Chín Âm lịch là mùa mưa (monsoon). Trong thời gian nầy côn trùng sanh nở, cây cối đâm chồi nẩy lộc, sự đi lại khó khăn. Đức Phật và chư Tăng an cư một nơi có máy che trong suốt thời gian nầy. Đây cũng là dịp để chư tăng trau giồi pháp học, pháp hành. Thông thường thì chư Tăng chính thức nhập hạ từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm tháng Chín gọi là Tiền An Cư (Purimikavassa). Nếu có việc chẳng đặng đừng thì nhập hạ sau đó một tháng tức từ Rằm Tháng Bảy đến Rằm tháng Mười gọi là Hậu An Cư (Pacchimikàvassà). (Phật giáo Bắc Truyền an cư từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy và sau nầy tại Việt Nam dùng chữ kiết hạ có ý nghĩa tương đối khác với luật nghi)

b. Pháp phục của chư tăng

Pháp phục của một tỳ khưu gồm tam y ca sa. Tất cả đều may theo hình chữ nhật không giống như quần áo người cư sĩ (nên có câu người xuất gia đầu tròn áo vuông). Ba y gồm có y nội (antaravasaka - an đà hội hay hạ trước y) , y vai trái (uttarasangha - Uất đà la tăng hay thượng trước y), y kép (sanghati - tăng già lê hay trùng phục y). Vì là hình chữ nhật nên dễ tự may cắt. Màu sắc thường là màu vàng, màu nghệ, màu nâu. Tăng y tiêu biểu cho hạnh xả ly. Trong kinh cũng gọi là lá cờ của bậc Ứng Cúng. Một lần Đức Thế Tôn đi ngang triền núi của xứ Magadha, ngài gợi ý cho tôn giả Ananda may y ca sa theo hình thức những thửa ruộng biểu trưng cho phước điền vô thượng của thế gian

c. Nghi luật Tăng sự (Sanghakamma)

Chư tăng truyền thống là một đoàn thể dân chủ đại nghị. Khi có bất cứ điều gì cần giải quyết hay thực hiện với sự thông qua tăng chúng thì cần có những thể thức rõ ràng được gọi là Tăng Sự (sanghakamma).

Trong những Tăng Sự như vậy thì điều quan trọng nhất là tác bạch tăng sự (kammavaca). Đây là một lời trình đúng theo luật nghi do một vị thông hiểu giới pháp thực hiện. Thường thì chư tăng thông qua bằng sự im lặng. Tác bạch tăng sự đó phải đúng việc, đúng thể thức, đúng thời, đúng tăng hội. Các dịch giả Trung Hoa không tìm được chữ dịch thoả đáng nên dùng Phạn âm là Yết ma (Kamma). Một số chư Tăng Nam Tông Việt Nam dùng chữ "tuyên ngôn" nhưng từ nầy không chuẩn vì mang nghĩa khác.


II. Đại lễ Tăng y Kathina

a. Ý nghĩa của chữ Kathina

Kathina có nghĩa là bền chặt, không dễ bị vỡ vụn. Gọi như vậy vì đại lễ nầy kết cấu nhiều qui định quan trọng dẫn đến thắng duyên. Một người làm phước sự gì quá đơn giản thì tâm của người cúng dường cũng như người thọ thí thường khó làm cho sự bố thí đạt đến chỗ viên mãn nếu thiếu những yếu tố thù thắng của tâm thí, thời thí, vật thí, người thọ thí, và cung cách thí. Đại lễ Kathina bao hàm tất cả những điều đó nên gọi là bền vững, viên mãn.

b. Dâng y:

Có một số điều nhất định không thể khác đi được trong việc dâng y Kathina:

- Mỗi chùa một năm chỉ tổ chức một lần bất cứ ngày nào từ Rằm tháng Chín đến Rằm tháng Mười. Sau lễ nếu có người cúng một số tiền thật lớn để tổ chức thì cũng không làm được.

- Chỉ có thể cúng dường nếu có chư tỳ khưu nhập hạ tại chùa.

- Chỉ cúng dường đến đại chúng Tăng già rồi chư Tăng giao y theo nghi luật chứ không cúng trực tiếp cá nhân tỳ khưu nào. Nên không tự tay trực tiếp dâng y mà đặt y trước mặt Đại Tăng. Chư tăng chỉ nhận bằng cách im lặng chứ không bằng tay.

- Chỉ một trong ba y được dùng để cử hành Tăng sự.

- Cả hai giới xuất gia và tại gia đều có thể tổ chức lễ Tăng y Kathina.

- Có thể dâng y may sẳn hay vải để may y.

c. Thọ y :

Chư Tăng phải thọ y theo nghi luật được Đức Phật ban hành:

- Phải có đủ túc số từ 5 vị tỳ khưu trở lên mới có thể cử hành tăng sự thọ y Kathina.

- Tiêu chuẩn giao y ưu tiên theo nhu cầu (thí dụ như y quá rách), rồi hạ lạp, rồi sự am hiểu thể thức thọ y.

- Nếu là y Kathina là vải thì phải cắt, may, nhuộm, và hoàn tất tăng sự trong ngày.

- Tăng sự được thành tựu sau ba lần tác pháp yết ma với sự im lặng đồng thuận của tăng chúng.

- Vị tỳ khưu thọ y phải biết xả y cũ, làm dấu và chú nguyện y mới và hoàn tất bằng lời trình.

- Những vị tỳ khưu khác cùng nhập hạ nói lời tuỳ hỉ.

III. Đại lễ dâng y và truyền thống :

a. Tăng thể là đại thể :

Tăng luôn được hiểu là đại thể của tất cả những vị tỳ khưu truyền thừa giáo pháp. Ngày nào người Phật tử cúng dường nghĩ đến đại thể thì Phật Pháp còn hưng thịnh và sự cúng dường vô phân biệt nói lên tinh thần chung vượt ngoài những quan niệm cá nhân. Chiếc y Kathina cho dù trong hình thức đơn giản nhất cũng nói lên ba điều quan trọng là người cúng dường không cá nhân tuyển thí, chư tăng giao y theo cách lợi hoà đồng quân và lễ phẩm được trang trọng vì chuyên chở giá trị truyền thống.

b. Quả phước của lễ Tăng y Kathina :

Người cúng dường y Kathina gieo tạo phước duyên thù thắng vì làm được Tăng thí vô phân biệt, cúng dường đúng thời, cúng dường hợp đạo. Người làm được điều nầy đời sau có duyên lành xuất gia, tác thành tăng tướng nhanh chóng, và đầy đủ phước vật. Đại lễ tăng y mang lại an lạc cho Tăng già, do vậy, là một phước hạnh thù thắng.

* Quả báu của lễ thọ y kathina thật đặc biệt hơn các quả báu của phước thiện bố thí khác là có tính chất bền vững lâu dài đối với chư Tỳ khưu hưởng đặc ân 5 quả báu của kathina suốt 5 tháng kể từ ngày 16 tháng 9 cho đến hết ngày rằm tháng 2.

Còn đối với thí chủ, phước thiện dâng y kathina cho quả báu vô lượng kiếp.

Trong kiếp tử sanh luân hồi, nếu phước thiện dâng y kathina này cho quả tái sinh làm người, người ấy sẽ là người có chánh kiến, giàu sang phú quý hơn người, có của cải được bền vững lâu dài, tránh khỏi những tai họa do lửa cháy, nước lụt cuốn trôi, do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, phi pháp, v.v…

Nếu phước thiện dâng y kathina này cho quả tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, sẽ là vị thiên naṃhoặc thiên nữ có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời hơn các chư thiên khác, hưởng sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Phước thiện dâng y kathina này rất lớn lao vô lượng, cho nên người thí chủ thành tâm phát nguyện như thế nào, chắc chắn sẽ được toại nguyện như thế ấy. Ví dụ: Một người giàu sang phú quý nhất trong đời này, họ muốn có được thứ gì trong đời, muốn ăn món gì trong đời, v.v… đối với họ không phải vấn đề khó, có phải không? Cũng như vậy, người thí chủ đã làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng xong rồi, người ấy có phước thiện dâng y kathina đến vô lượng, cho nên họ phát nguyện như thế nào, chắc chắn sẽ được toại nguyện như thế ấy.

Thật vậy, như tích tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī, là một cô bé gái con nhà nghèo khổ làm thuê ở mướn gần 3 năm mới được 1 tấm vải choàng. Cô bé gái phát sinh đức tin trong sạch kính dâng tấm vải choàng mới ấy đến vị Tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Cô thành tâm phát nguyện rằng:

“Kính bạch Ngài, trong vòng tử sinh luân hồi, con nguyện kiếp nào cũng là người nữ xinh đẹp nhất, làm cho người naṃnào nhìn thấy con, họ đều bị mê hồn, mất trí không còn biết mình nữa. Con sẽ là người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần”.

Lời phát nguyện của cô đã toại nguyện cho đến kiếp chót, hậu thân của cô là Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī, bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotaṃa.

Và tiền kiếp của Đức Phật Gotaṃa là một người đàn ông, nhìn thấy vị Tỳ khưu hành pháp hành đầu đà sống trong rừng, Đức Bồ Tát phát sinh đức tin trong sạch dâng một tấm vải cũ đến vị Tỳ khưu ấy rồi phát nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác; hậu thân của Đức Bồ Tát kiếp chót trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotaṃa của chúng ta.

Làm phước thiện bố thí tấm vải choàng mới đến vị Tỳ khưu của cô gái nghèo khó, tiền kiếp của Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī; làm phước thiện bố thí tấm vải cũ đến vị Tỳ khưu của người đàn ông, tiền kiếp của Đức Phật Gotaṃa; chính nhờ phước thiện bố thí ấy đã dẫn đến cho quả kiếp chót đều được toại nguyện như thế, huống gì người thí chủ làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng, phước thiện dâng y kathina ấy chắc chắn sẽ cho quả báu cao quý biết dường nào nữa!

Nhân dịp làm phước thiện dâng y kathina này, là phước thiện cao quý vô lượng, những thí chủ nào thành tâm phát nguyện như thế nào, những thí chủ ấy chắc chắn sẽ được toại nguyện như thế ấy.

c. Lễ Tăng Y và ảnh hưởng xã hội :

Người đầu tiên tổ chức Tăng y trong giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đại thí chủ Visakha. Tổ chức tại chùa Kỳ viên, thành Savatthi. Ngày nay tại các quốc gia Phật giáo Nam Truyền thì đây là lễ hội lớn làm nổi bật ba ý nghĩa: hộ trì Tăng Chúng để giáo pháp trường tồn, người cư sĩ tìm thấy niềm vui đạo vị của một mùa lễ hội và ngày đại lễ nầy cũng nhắc nhở cả hai giới xuất gia và tại gia phải trân trọng tấm lòng của đàn tín.

Ca sa oai đức chi bằng
Sắc vàng thanh bạch của hàng Sa Môn
Noi gương từ phụ Thế Tôn
Hoằng khai giáo pháp tám muôn bốn ngàn
Ngày nay Thiện tín các hàng
Ca sa đại lễ nghiêm trang cử hành
Dâng y với tấm lòng thành
Ba vòng nhiễu Phật đồng thanh nguyện cầu
Chư Tăng hoan hỷ lãnh thâu
Căn lành gieo giống để hầu mai sau
Nguyện mau thoát khỏi trần lao
Tu hành tinh tấn tiêu dao đạo mầu
Chúc cho Phật pháp bền lâu
Thấm nhuần trăm họ năm châu thạnh hành
Chúc cho cả thảy chúng sanh,
Hồi đầu hướng thiện tâm thành quy y
Noi theo gương đấng Từ bi,
Xuất gia hành đạo mang y ngồi kề
Tu tâm dưỡng tánh mọi bề,
Tham sân đoạn tuyệt Bồ đề đến nơi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nhận xét