Lịch sử Ngũ Ðài Sơn.

Ngũ Ðài Sơn (Wutaisan) nằm ở phía bắc của thị trấn Thái Nguyên (Taiyuan) 230km. Ngũ Ðài Sơn là nơi Phật tích lớn nhất trong tứ đại Phật Sơn ở Trung Hoa.

Ngũ Ðài Sơn có năm ngọn núi (trên đỉnh núi phẳng nên gọi là phong): Vọng Hải Phong (Wanghai) ở phiá đông, Quế Nguyệt Phong (Guayue) ở phiá tây, Hiệp Ðầu Phong (Yedou) ở phía bắc, Cẩm Tú Phong (Jinxiu) tại phía Nam và Thuý Nham Phong (Cuiyan) ở trung tâm. Ngọn núi cao nhất là Hiệp Ðầu Phong cao 3058m. Thị trấn Ðài Hoài (Hoài có nghĩa là trong lòng), có độ cao 1,700m, nằm giữa thung lũng bao bọc chung quanh bởi năm ngọn núi. Tại thị trấn này có đủ sắc dân : Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, Thác bạt v..v..Ða số người dân ở đây dáng người thô kệch, sức vóc to lớn hơn người Trung Nguyên, gò má cao, môi dầy, mắt sếch, hàm răng trên hơi hô ra.

Ngày xưa, ngọn núi giữa còn có tên là Thanh Lương Sơn.

Thật ra, danh xưng Thanh Lương còn gắn với câu chuyện thần kỳ. Tương truyền, vào thời thượng cổ, Ngũ Ðài Sơn là khu vực có khí hậu khắc nghiệt khác thường, mùa đông nước đóng thành băng; mùa xuân cát bay đá lở, mùa hạ cực kỳ nóng bức. Vì thế, nông dân không thể trồng trọt cấy cầy gì cả. Ðể giải trừ khổ nạn này cho chúng sinh, Ðức Văn Thù Bồ Tát đến Long Cung cầu viện, mượn về một tảng đá tên là "Yết Long Thạch". Sau khi ném tảng đá xuống thì cả khu vực bỗng nhiên mát mẻ, trong lành. Từ đó người ta gọi tảng đá thần kỳ ấy là "Thanh Lương Thạch" và xây cất Chùa Thanh Lương để thờ.

Lịch sử Phật Giáo ở Ngũ Ðài Sơn

Theo lịch sử Trung Quốc, vào năm Vĩnh Bình thứ 10 (Ðông Hán năm 58-75 sau Công Nguyên) Vua Hán Minh Ðế cử một phái đoàn sang Tây Trúc thỉnh kinh, phái đoàn đã mang kinh về đồng thời thỉnh được hai vị sư Ấn Ðộ là Ca Diếp Ma Ðằng (Kasyapamatanga) Trúc Pháp Lan (Zhufalan) về Trung Quốc giảng kinh và phiên dịch.

Mấy năm sau, hai vị tăng này đi qua vùng Ngũ Ðài Sơn thấy nơi đây có phong cảnh giống như núi Linh Thứu (nơi Ðức Phật thuyết giảng), nên tâu trình lên nhà vua. Vua Hán Minh Ðế liền cho xây dựng Chùa Linh Thứu tại đây. Như vậy, chùa Linh Thứu ở Ngũ Ðài Sơn có cùng một thời với chùa Bạch Mã ở Lạc Dương.

Ngoài ra, còn biết bao nhiêu chùa khác đã được xây cất trong các triều đại kế tiếp. Riêng đời nhà Ðuờng nơi đây đã có trên 300 ngôi chùa.

Ngũ Ðài Sơn là nơi phát triển Phật Giáo từ lúc sơ khai, nên các Chùa tại đây chịu ảnh hưởng nhiều về những cuộc thăng trầm của lịch sử Phật Giáo Trung Quốc. Vào những triều đại nhà vua sùng bái đạo Phật, thì nhân dân được khuyến khích xây cất thêm những tự viện mới hoặc các tự viện cũ được cấp tiền tu sửa. Nhưng vào những triều đại nhà vua nghe lời những cận thần dèm pha, hoặc vì những lý do kinh tế, nhà vua hạn chế sự truyền bá đạo, nhiều khi ra lệnh đập phá chùa, lấy chuông và đồ đồng để đúc tiền. Trong lịch sử Trung Hoa có bốn cuộc pháp nạn mà người ta gọi là nạn "Tam Vũ nhất Tôn".

Nạn thứ nhất xảy ra vào năm 446 sau Công nguyên, vua Thái Vũ (Tai-Wu) nhà Bắc Ngụy (North Wei), nghe lời dèm pha của hai vị quan là Thôi Hạo (Cui Hou) và Khấu Khiêm Chi (Kou Qian Zhi) cho rằng nguyên do cuộc nổi loạn ở Lương Châu (Liangzhou) là sự tranh chấp giữa Phật Giáo và Lão Giáo. Nhà vua đã ra lệnh đàn áp Phật Giáo, đốt chùa, phá tượng, giết tăng. Mấy năm sau, nhà vua lâm bệnh nặng, và cho rằng đây là quả báo của việc đốt phá chùa, nên nhà vua chuyển ý và bắt giữ hai viên quan siểm nịnh kia, và cho phục hồi Phật Giáo. Vị vua kế tiếp là Văn Thành Ðế (Wen Cheng) lại rất sùng bái và có công trong việc phát triển Phật Giáo.

Nạn thứ hai xảy ra vào năm 560 sau Công nguyên, thời Hậu Chu vua Chu Vũ Ðế. Nhà vua ra lệnh các quan trong triều bình luận về sự hay dở của ba đạo Phật, Lão, Khổng. Cuối cùng, vào năm 573 Tây Lịch, nhà vua ra lệnh triệt hạ đạo Phật và Lão, các kinh sách bị đốt, chùa và tượng bị phá hủy. Các tăng sĩ, đạo sĩ phải hoàn tục.

Nạn thứ ba xảy ra vào năm 840 Tây Lịch, thời vua Ðuờng Vũ Tông (Wuzong). Lúc lên ngôi nhà vua vốn tin đạo Lão; sau nghe lời sàm tấu của tể tướng Lý Ðức Dụ, và đạo sĩ Triệu Quy Chân, nhà vua cho là Phật giáo là tôn giáo của bọn man di Tây Vực, người Hán không nên theo. Nhà vua ra lệnh kê khai và giảm bớt số tăng ni trong nước, phá hủy bớt các chùa, sung công tuợng vàng, đồ thờ bằng đồng để đem đúc tiền. Nhiều ngôi chùa ở Ngũ Ðài Sơn bị phá hủy. Năm 846 Tây Lịch, vua Vũ Tông chết, Tuyên Tông lên thay, nhà vua này cho phục hưng lại Phật Giáo và kết tội tử hình đạo sĩ Triệu Quy Chân.

Nạn thứ tư , vào năm 955 Tây Lịch thời Hậu Chu, vua Chu Thế Tôn (Shizong). Vào lúc đó, nền kinh tế suy đồi, nhà nuớc thiếu tiền tiêu dùng, nên vua ra những lệnh bề ngoài có vẻ làm trong sạch Phật Giáo, nhưng bề trong thì dụng tâm sung công các tượng vàng, cũng như đồ thờ tự bằng đồng để đúc tiền. Năm Hiển Ðức thứ hai, nhà vua ra lệnh phá bỏ 3,336 ngôi chùa cùng sung công vô số các đồ thờ, tượng Phật để đúc tiền. Năm Hiển Ðức thứ 6, các nơi loan truyền một chuyện lạ là có một tượng Phật Ðại Bi rất linh thiêng, không ai dám đến gần. Chu Thế Tôn nghe nói thân chinh đến ngôi chùa này và tự tay cầm búa bổ vỡ ngực tượng Phật. Trên đường ra về, thì ngực nhà vua bỗng nổi lên một cái nhọt lớn, tới kinh đô thì chết. Vị vua kế tiếp phải ra lệnh ngưng ngay cuộc đàn áp Phật Giáo.

Bốn chữ "Tam Vũ Nhất Tôn" là chỉ vào ba vị vua: Ngụy Thái Vũ, Chu Vũ Ðế, Ðuờng Vũ Tông (ba Vũ) và Chu Thế Tôn (một Tông). Bốn nạn thời xưa chỉ ảnh hưởng tới một vài vùng nhỏ miền Tây Bắc Trung Hoa.

Thêm vào 4 nạn trên trong lịch sử còn có hai pháp nạn mới nhất là : vào thời kỳ chiếm đóng Sơn Tây quân đội Nhật bản đã lấy đi những tượng vàng, hay cổ vật; kế tiếp đó là cuộc Cách Mạng Văn Hoá gây tai hại cho toàn thể mọi nơi ở Trung Quốc, chùa chiền bị Vệ Binh Ðỏ đập phá nơi nơi.

Như vậy, một số chùa ở Ngũ Ðài Sơn đã bị hư hỏng theo thời gian, đa số bị đập phá trong các cuộc pháp nạn và Cách Mạng Văn Hoá.

Ngày nay, còn chừng hơn 50 ngôi chùa cổ lập sau thời nhà Ðường (thế kỷ thứ 9) vẫn giữ được nét cổ kính lộng lẫy. Nhiều chùa vẫn còn giữ được những ngôi tượng cổ và di vật thờ tự vô cùng quý giá. Tổng cộng các Chùa còn lưu giữ được 32,869 quyển kinh, trong số này 16,032 quyển được coi là kinh cổ quý giá. Chùa trên Ngũ Ðài Sơn chia ra làm hai tông phái: phái Phật giáo truyền thống và phái Lạt Ma.

Chùa theo phái Ðại Thừa phổ thông:

Hiển Thông Tự (Xiantong Temple ), Tháp Viện Tự (Tayuan Temple or Dagoba Temple), Vạn Phật Các (Wanfoge Temple), Quảng Tôn Tự (Guangzong Temple), Viên Chiếu Tự (Yuanzhao Temple), Nam Thiên Tự (Nanchan Temple), Phổ Quang Tự (Foguang Temple), Long Tuyền Tự (Longquan Temple), Nam Sơn Tự (Nanshan Temple), Kim Các Tự (Jin-ge Temple), Thanh Lương Tự (Qingliang Temple), Trúc Lâm Tự (Zhulin Temple), Pháp Hoa Tự (Fahua Temple), Diên Khánh Tự (Yanqing Temple), Quảng Tế Tự (Guangji Temple), Tôn Thắng Tự (Zunsheng Temple), Cổ Phật Tự (Gufo Temple), Linh Nham Tự (Lingyan Temple), Bí Ma Tự (Mimo Temple), Ngũ Lang Tự (Wulang Joss Temple), Bảo Hoa Tự (Baohua Temple), Linh Phong Tự (Lingfeng Temple), Vạn Phật Ðỗng (Wanfo Cave), Phật Mẩu Ðỗng (Fomu Cave), Quán Hải Tự (Guanhai Temple), Phổ Hóa Tự (Puhua Temple), Ðại Loa Ðỉnh Tự (Dailuoding Temple), Bích Sơn Tự (Bishan Temple), Cát Tường Tự (Jixiang Temple), Phong Lâm Tự (Fenglin Temple), Thù Tượng Tự (Shuxiang Temple), Thê Hiền Tự (Qixian Temple), Phàm Tiên Tự (Fanxian-shan Temple), Bạch Phật Ðuờng (Baifa Room), Văn Thù Tự (Temple of Manjusri),

Các Chùa theo phái Lạt Ma (đa số là Thiền tông):

La Hầu Tự (Luohou LamaTemple)ï, Bồ Tát Ðỉnh (Pusading LamaTemple), Từ Phước Tự (Cifu LamaTemple), Quảng Hóa Tự (Guanghua Lama Temple) , Thất Phật Tự (Qifo Lama Temple) , Tập Phúc Tự (Jifu Lama Temple), Ðài Lộc Tự (Tailu Lama Temple) , Phổ Thọ Tự (Pushou Lama Temple) , Kim Cang Ðỗng (Jin gang Gratto Lama Temple) , Phổ Lạc Viện (Pule Lama Yard), Quán Âm Ðỗng (Guanyin Cave Lama Temple), Ngọc Hoa Trì Tự (Yuhua Pool Lama Temple), Thiện Tài Ðỗng (Temple Of Sancai Cave Lama Temple), Thiết Ngõa Tự (Tiewa Lama Temple) , Thọ Ninh Tự (Shouning Lama Temple), Tam Tuyền Tự (Sanquan Lama Temple),

Tham khảo sách giới thiệu Ngũ Ðài Sơn, sau đây chúng tôi xin mô tả một vài ngôi cổ tự lớn của vùng Ngũ Ðài Sơn. (Người Trung Hoa hay có những truyền thuyết thần thoại chúng tôi cũng xin kể ra luôn)

Hiển Thông Tự (Xiantong Temple)

Chùa Hiển Thông (Xiantong)là ngôi chùa lâu đời nhất tại Ngũ Ðài Sơn, nằm ở trung tâm thị trấn Ðài Hoài. Chùa được xây vào năm thứ 11 của Vĩnh Bình niên (Yongping)(năm 68 sau Công Nguyên), do vua Ðông Hán Minh Ðế, và được đặt tên là Ðại Linh Thứu Tự (Linjiu temple). Sang đến đời nhà Ðường (684-705 TL) Võ Tắc Thiên hoàng đế đã cúng chùa bộ kinh Hoa Nghiêm, do đó chùa được đổi tên là Ðại Hoa Nghiêm Tự (Huayan Temple). Ðến thời Vạn Lịch triều Minh (1576 TL), Chùa đổi tên là Vĩnh Minh Tự. Vua Thuận Trị nhà Thanh (1644-1661 TL) trùng tu lại chùa và đặt tên là Ðại Hiển Thông Tự.

Chùa tọa lạc trên khoảng đất là 4 mẫu (4 ha) gồm có hơn 200 phòng, chia ra làm 3 phần: phần giữa là các điện thờ, hai bên là các dẫy nhà thiền. Từ ngoài vào trong có 7 dẫy điện: tiền điện, Ðại Văn Thù điện, Ðại Hùng Bảo điện, Vô Lượng điện, Thiên Bát Văn Thù điện, ngôi chùa đồng và hậu điện. Ða số những ngôi điện này xây cất lại vào thời nhà Minh.

Tại sân trước Ðại Văn Thù điện có hai căn nhà bát giác được xây ngày 19 tháng 7 năm Khang Hy thứ 46 đời nhà Thanh. Mỗi căn có dựng một tấm bia đá trắng cao 3m, rộng 1m. Tấm bia bên trái có bút tự của vua Khang Hy, nét chữ rất đẹp, vì vậy người ta gọi đây là Khang Hy Bi. Còn tấm bia bên phải thì không có chữ, người ta gọi là Vô Tự Bi. Có lẽ khi người ta dựng bia lên, hy vọng có ai ghi viết tặng gì thêm không, nhưng vì vua Khang Hy nổi tiếng có bút tự đẹp, nên không ai dám sánh. Nếu trông từ trên cao thì dãy 7 ngôi điện thờ giống như con rồng mà hai con mắt rồng là hai căn nhà bát giác.

Ðại Văn Thù điện được trùng tu thời nhà Thanh, có rộng 5 gian , dài 5 gian. Mái điện cong, một tầng. Chính giữa có tượng Ðức Văn Thù cưỡi kim sư. Phía sau là tượng Văn Thù ngũ phương. Hai hàng bên giáp tường là 12 pho tượng các vị Bồ Tát.

Sân giữa Văn Thù điện và Ðại Hùng Bảo điện có một cái đồng hồ bằng đá (dùng ánh mặt trời mà xem giờ).

Ðại Hùng Bảo điện rộng 720 thước vuông. Ðiện có ba lớp mái cong. Nơi đây cũng còn được gọi là Chuyển Giác Ðiện (Zhuanjiao Hall). Giữa những mái chùa có điêu khắc những chim Ca Lăng Tần Già, hai con rồng hai bên, chính giữa là con phượng. Trên cao ở giữa chánh điện có treo một bức hoành với bốn chữ " Chân Quyền Như Ứng" (Zhen Quan Ru Yin) bút tự của Vua Khang Hy. Nơi bàn thờ có là 3 bức tượng lớn :tượng Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sakymuni) chính giữa, tượng Ðức Dược Sư Quang Như Lai (Baisajyaguru-vaidurya-prabhasa) bên trái, tượng Ðức A Di Ðà (Amitaba) bên phải. Hai phía những gian bên có bàn thờ tượng Ðức Văn Thù (Manjusri), Phổ Hiền (Samantabhadra), Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và Ðịa Tạng (Ksitigarbha). Hai bên giáp tường là hai dãy tượng Thập Bát La Hán.

Vô Lượng Ðiện, lập từ thời nhà Minh (cũng có truyền thuyết là ngôi điện thờ này do vị sư tên là Vô Lượng xây lên). Ngôi điện khá lớn rộng 7 gian, sâu 4 gian. cao 20m. Ðặc biệt người ta không thấy cột hay xà nhà ở nơi đây; do đó dân địa phượng gọi là Vô Lương Ðiện (lương đây có nghĩa là xà nhà). Tại nơi cửa chính có treo bức hoành với bốn chữ " Pháp Phổ Ðề Trường" (Fa Pu Ti Chang). Mái điện có 3 tầng, giữa những tầng mái để trống cho có ánh sáng lọt vào. Trong điện có tượng Ðại Nhựt Như Lai (Vairocana) ở chính giữa ngồi trên tòa sen rất cao, phía bên trái là tượng Vô Lượng Thọ Phật (Amitayus) ngồi trên tòa sen thấp hơn Phía bên phải có một bảo tháp bằng gỗ chạm trổ cao tới trần. Tháp này được làm vào thời Vạn Lịch nhà Minh.

Sau Vô Lượng điện là Thiên Bát Văn Thù Ðiện. Ngôi điện này nhỏ hơn. Chính giữa điện có bứùc tượng đồng Ðức Văn Thù Thiên thủ cưỡi kim sư, với ngàn tay mỗi tay cầm bình bát. Hai bên điện có hai cái giá đựng kinh sách. Các vị sư khi tụng kinh thường hay xoay chuyển hai cái giá sách này.

Sau Thiên Bát Văn Thù Ðiện là một cái sân rộng, buớc lên chừng 10 bậc thì thấy ngôi Ðiện bằng đồng. Ngôi điện này làm từ thời nhà Minh năm Vạn Lịch thứ 38. Trước điện có một cái bia đá có khắc bốn chữ "Thanh Lương Diệu Cao" (Qing Liang Miao Gao) , đây là bút tự của Diệu Phong Ðại Sư (Miao Feng). Ngài là thầy dạy của mẹ Vua Vạn Lịch, sau được phong làm phương trượng tất cả các chùa ở Ngũ Ðài Sơn. Ngôi điện bằng đồng đen này nặng 50,000kg , có nhiều mái cong, hình vuông rộng mỗi bề 5m, cao 8m , dựïng trên 4 cột đồng vuông cạnh . Phía trong điện, chính giữa có tượng đồng Ðức Văn Thù, cao 1m, hai bên có hai cái bảo tháp nhỏ bằng đồng. Trên tường điện có gắn hàng ngàn tấm tượng Phật đúc nổi bằng đồng, sắp xếp theo từng dẫy dài.

Trước sân điện còn có năm cái bảo tháp bằng đồng, tượng trưng cho năm ngọn núi của Ngũ Ðài Sơn. Trong số năm bảo tháp này chỉ có hai cổ tháp hình bát giác là nguyên thủy đúc từ thời nhà Minh năm Vạn Lịch thứ 35 (1607 TL). Mỗi cổ tháp cao 7 m, đường kính 1m, có 13 tầng. Mỗi mặt tháp có chạm nổi một tượng Phật. Ba ngôi tháp kia là tháp mới làm thay thế vào tháp cũ đã bị phá hủy thời Cách Mạng Văn Hóa.

Sau cùng, nơi Hậu Ðiện năm 1993 người ta trưng bầy các di tích. Tại đây trưng bầy những ấn ngọc của các chùa ở Ngũ Ðài Sơn, bức tượng Phật nằm bằng ngọc Miến Ðiện, (do nuớc Miến Ðiện tặng), chùa bằng bạc, và nhiều các sách cổ. Ðặc biệt có bức tranh gồm 630,043 chữ nhỏ ly ti trong bộ kinh Hoa Nghiêm ghép lại thành bức tranh ngôi tháp bẩy từng . Bức tranh dài 5m7 rộng 1m7.

Tháp Viện Tự (Tayuan Temple)

Ngày xưa Tháp Viện Tự là một phần phía nam của chùa Hiển Thông, về sau tách rời ra. Nếu ta ra khỏi chùa Hiển Thông rẽ phải thì sẽ tới cổng sau của Tháp Viện Tự. Trên cổng có bức hoành ghi bốn chữ đại tự "Sơn Vân Thủy Nguyệt" ngụ ý nói đời người ta phù du như mây ở trên núi, ánh mặt trăng ở trên mặt nước.

Trong Tháp Viện tự có hai ngôi tháp : Thích Ca Mâu Ni Xá Lợi tháp (còn gọi là Ðại Bạch Tháp), Văn Thù Phát tháp (Phát là tóc) và hai ngôi điện lớn là: Ðại Từ Duyên Thọ Ðiện và Tàng Kinh Ðiện. Dưới thời nhà Minh có lúc Ðại Bạch Tháp bị đổi tên là Ðại Từ Duyên Thọ Tháp.

Năm Vĩnh Lạc (Yong Le) thứ 5 (1407 TL) Minh Thành Tổ (Chengzu) cho tu sửa Ðại Từ Duyên Thọ Tháp và lập một ngôi chùa lấy tên là Chùa Tháp Viện. Sang đến năm Vạn Lịch (Wanli) thứ 7 (1579 TL) Vua nhà Minh lại tu sửa ngôi tháp, ba năm sau vào tháng 7 của năm Vạn Lịch thứ 10 thì khánh thành và đổi tên là Thích Ca Mâu Ni Xá Lợi Tháp. Sau này vì mầu trắng của tháp, người ta gọi gọn là Ðại Bạch Tháp.

Nguyên thủy ngôi tháp này xây bằng đá trước thờiø nhà Nguyên, sau đó người ta xây ngôi tháp lớn hơn kiểu phái Lạt Ma lên nền cũ. Ngôi tháp này cao 56m4. Tầng dưới của tháp là ngôi điện thờ có Tượng Thích Ca Mâu Ni được thờ chính giữa, hai bên là tượng Ðức Văn Thù (Manjusri), Phổ Hiền (Samantabhadra) , Quán Thế Aâm (Avalokitesvara) và Ðịa Tạng (Ksitigarbha).. Chung quanh hành lang ngôi điện là dẫy 120 bánh xe chuyển pháp (kiểu Tây Tạng). Trên đỉnh tháp hình bầu rượu mạ vàng, cao 5m , chung quanh có treo 252 cái chuông đồng, khi gió thổi gây những tiếng nhạc rất hay.

Ngôi Văn Thù Phát Tháp có hình dáng giống Ðại Bạch Tháp nhưng nhỏ và thấp hơn, cao có 6m.

Phía bắc của Ðại Bạch Tháp là Tàng Kinh Ðiện. kiến trúc hai tầng. Phía trên cao nhất người ta thấy 4 chữ đại tự với bút tự của Vua Khang Hy (Kangxi) nhà Thanh: "Ðại Tàng Kinh Các" . Phía trước điện cũng có treo một bức hoành trên có bài thơ và bút tự của Vua Càn Long (Qianlong)nhà Thanh (1736 TL) . Bài thơ đại ý nói: ở đây có hai ngôi chùa nay chỉ còn có một. Mặc dầu dân gian tới đây chiêm bái Xá Lợi Phật và tóc của Ðức Văn Thù, nhưng mấy ai đã hiểu thấu giáo lý của các Ngài, ngay cả giáo lý Phật giáo.

Chính giữa Tàng Kinh điện, là một cái giá sách vĩ đại bằng gỗ xoay chuyển được. Giá sách có hai tầng, cao 11m2 , mỗi tầng chia làm 33 ngăn dọc, mổi ngăn chia làm nhiều hộc để chứa kinh. Chu vi tầng trên là 11m, chu vi tầng dưới là 7m. Giá sách có thể chứa hơn 20,000 quyển kinh, bằng chữ Hán, Mông Cổ hay Tây Tạng. Ngày nay, về vấn đề tiện nghi người ta chứa kinh tạng thêm tại tầng hai của Tàng Kinh Các. Trước giá sách có tượng Ðức Phật Ðại Nhật (Vairocana, Tỳ Lư Xá Na, phái Mật Tông cho là Phật Ðại Nhật là vị Phật đầu tiên) và 5 tượng Ngũ Phương Phật : Phật A Súc Bệ (Arsobhya) phương bắc, Phật Bảo Thắng (Baosheng) phương nam, Phật A Di Ðà (Amitabha) phương tây, Phật Thích Ca (Sakyamuni) phương bắc, Phật Như Lai (Tathagata) chính giữa. Hai bên là tượng 12 vị Bồ Tát như : Văn Thù, Phổ Hiền, v..v..

Ngôi Từ Thọ Ðiện nằm bên trái Ðại Bạch Tháp, do Vua Vạn Lịch nhà Minh cho xây cất lên để cầu thọ cho mẹ là Thái Hậu họ Lý vào năm 1573 Tây Lịch.

Sau đây là một vài truyền thuyết về Tháp Viện Tự :

Vào năm 200 trước Công Nguyên , Vua A Dục (Asoka) bên Aán Ðộ thống nhất được quốc gia, khuyến khích truyền bá đạo Phật trong nước. Nhà vua nghe nói xá lợi của Ðức Phật được chôn dưới 8 ngôi chùa. Nhà vua cho đào lên , phân chia đựng vào trong 84,000 bảo tháp nhỏ làm bằng ngũ kim hay ngọc quý và phân chia đi cho nhiều nước. Theo truyền thuyết thì Trung Hoa nhận được 19 bảo tháp xá lợi. Bảo tháp xá lợi trong Ðại Bạch Tháp là một trong 19 bảo tháp kể trên.

Người ta kể chuyện về sự tích tóc của Ðức Văn Thù như sau. Ngày xưa, tại một ngày đại lễ tại chùa Hiển Thông , nhân dân tới lễ rất đông. Trong đám đông có một thiếu phụ bụng chửa, tay phải bồng một em nhỏ, tay trái dắt một đứa nhỏ nữa theo sau là một con chó. Bà thấy mọi người cúng dường, mà bà thì không có tiền, bà liền cắt mớ tóc dài của bà để cúng dường. Sau đó, mọi người sắp hàng xuống nhà ăn để thụ trai. Vị thí chủ múc đồ ăn hôm đó rất khó chịu vì mọi người đến đông quá. Vị đó múc đồ ăn cho chư tăng thì đầy đặn, nhưng múc cho chúng sinh thì ít. Ðến lượt thiếu phụ kia và hai em nhỏ, thì vị đó chỉ múc cho hai phần, vì nghĩ rằng đứa nhỏ bồng trên còn bú mẹ. Thiếu phụ xin thêm hai phần nữa, một cho đứa nhỏ đang bồng và một cho con chó. Vị thí chủ cũng chiều ý. Nhưng một lần nữa, thiếu phụ lại xin một phần cho đứa trẻ còn đang ở trong bụng mẹ. Vị thí chủ mất bình tĩnh đuổi thiếu phụ ấy đi. Thiếu phụ ấy to tiếng cãi rằng :" Dù đứa trẻ chưa sinh ra nhưng vẫn là một chúng sinh, tại sao không cho thêm một phần?" Vị thí chủ đáp : " Bà ngoan cố lắm, đã đành đứa trẻ là một chúng sinh, nhưng ai ăn phần đó ?" Người thiếu phụ tức giận đáp : "Tôi không nhận các phần ăn, vì đứa con chưa sinh cũng không được một phần ăn, thật bất công!" Thiếu phụ liền bỏ ra khỏi phòng ăn . Liền khi thiếu phụ rời phòng ăn thì ánh hào quang rực rỡ chiếu vào phòng, thiếu phụ biến thành Ðức Bồ Tát Văn Thù, hai đứa trẻ biến thành hai đồng tử, và con chó biến thành con kim sư. Nhã nhạc vang lừng, Ðức Văn Thù cưỡi mây bay vào hư không. Dân chúng trong phòng liền quỳ lạy, rồi chạy ra khỏi phòng nhìn lên không trung van cầu Ðức Văn Thù trở lại, nhưng không được.

Từ đó mớ tóc của Ngài đuợc lưu giữ thờ cúng trong tháp. Chùa còn giữ tục lệ là khi cúng dường trai soạn, bao giờ cũng cấp đầy đủ, tăng hay chúng ai ai cũng đồng đều, bất cứ ai có lời thỉnh cầu nào, cũng đều không được từ chối. Phong tục đó còn giữ đến ngày nay.

Bồ Tát Ðỉnh Tự (Pusading Temple)

Từ xa Bồ Tát Ðỉnh Tự trông giống như điện Potala nhỏ (Tây Tạng) nằm trên ngọn đồi Linh Thứu. Cả hai Chùa Hiển Thông và Bồ Tát Ðỉnh đều nằm ở phía đông nam đồi Linh Thứu cách xa nhau chừng 1 km. Tại Ngũ Ðài Sơn, Chùa Hiển Thông là chùa chính cho phái Ðại Thừa chính thống, còn Chùa Bồ Tát Ðỉnh là chùa chính cho phái Lạt Ma (Mật Tông).

Chùa được xây dưới triều vua (Bắc) Ngụy Hiếu Văn . Sang năm Trinh Quán (Zhenguan) thứ 5 nhà Ðuờng, có vị trụ trì tên là Pháp Vân (Fayun) muốn tạc một tượng Ðức Văn Thù. Sư liền mời một người thợ tên là An Sinh (Ansheng) tới làm. Ông An Sinh liền hỏi sư Pháp Vân muốn tạc tượng như thế nào thì sư không trả lời được . Ông An Sinh cố tưởng tượng ra ngày đêm tạc tượng. Ông tạc 6 pho tượng, nhưng pho nào cũng bị nứùt hay gẫy. Người thợ liền ăn chay, sửa soạn thân tâm thanh tịnh, rồi quỳ xuống khấn cầu: "Con cầu xin Ðức Văn Thù, con đã tạc nhiều tượng Phật, nhưng con chưa bị nhiều thất bại như bây giờ, hôm nay con cầu nguyện xin Ngài thị hiện cho con được thấy tận mắt để con tạc tượng Ngài. " Khi ngẩng đầu lên, ông ta thấy ánh sáng rực rỡ, trong ánh hào quang có Ðức Văn Thù cưỡi kim sư , chỉ trong chốc lát Ngài bay lên không trung biến mất. Ông An Sinh mừng rở và y theo hình tướng đã thấy mà tạc tượng.

Tượng do ông An Sinh tạc ra, đặt ở ngọn đồi phía bắc của Ðại Hoa Nghiêm Tự, Ngọn đồi thì được đặt tên là Văn Thù Ðài (sau này là đồi Linh Thứu), rồi xây cất tự viện gọi là Bồ Tát Thị Hiện Các vào đời nhà Tống. Sang năm Vĩnh Lạc thứ nhất nhà Minh thì đổi tên là Chùa Ðại Văn Thù (còn gọi nôm na là Chùa Bồ Tát Ðỉnh ). Lúc đầu Chùa theo Ðại Thừa chính thống, sang năm Ðồng Trị (Shunzi) thứ 13 nhà Thanh (Qing) thì đổi sang Lạt Ma tông.

Chùa có hơn 430 phòng ốc và lâu các, chiếm một khoảnh đất rộng 27,000 mét vuông. Ngoài cổng chùa có bức tường chạm nổi chín con rồng phun nước. Sau đó là 108 bậc thang , trên cùng bậc thang là một cái cổng tam quan bằng gỗ làm từ năm Khang Hy thứ 53 nhà Thanh (1714 TL) Ðây là cái cổng chạm chổ công phu mầu sắc rất mỹ thuật, có bốn cột gỗ lớn, mái tam quan ba tầng lợp mái ngói mầu vàng. Ngay cổng giữa phía trên có bức hoành với 4 đại tự " Linh Phong Thắng Cảnh" (Ling Feng Sheng Jing) do chính vua Khang Hy viết và ban cho. Dưới chân cổng tam quan có chạm hai con sư tử đá, há miệng to ra. Nhưng con bên phải lại không có lưỡi.

Sau đây là truyền thuyết về con sư tử đá không lưỡi. Khi người ta xây cổng tam quan và tạc hai con sư tử thì trong chùa có chuyện lạ. Nhà bếp phụ trách nấu cháo vẫn nấu đủ số như mọi khi mà lạ thay cứ bị thiếu . Các chúng tăng lấy làm lạ hỏi thì nhà bếp trả lời là lạ quá sáng nay sau khi nấu cháo xong tôi vào lấy muối, trở ra thì thấy có hai con sư tử liếm sạch cơm nồi cháo. Hôm sau, sau khi nấu cháo, nhà bếp thủ sẵn một con dao lớn ngồi rình thì quả nhiên có hai con sư tử nhẩy qua cửa sổ vào liếm cháo. Bỗng nhiên một con kều gầm lên rồi cả hai chạy mất. Một con bị nhà bếp chém đút lưỡi, rơi vào nồi cháo. Nhà bếp đi ra sân thì thấy hai con sư tử đá, con bên phải bị mất cái lưỡi. Thì ra, hai con sư tử thấy cháo thì thèm và ra ăn vụng. Do đó, ở bậc thang trót, người ta làm một bức rào che cho hai con sư tử khỏi nhìn vào nhà bếp phía bên.

Tại sân chính hai bên có hai lầu chuông và lầu trống . Trong chánh điệän thì thờ theo phái Lạt Ma, chính giữa là tượng Ðại Nhật Phật; hai bên là tượng Dược Sư Phật và A Di Ðà Phật. Dưới 3 tượng Phật là tượng ngài Tôn Khách Ba (Tsung Kha Pa), tổ sư của ngành Lạt Ma áo vàng ngày nay cùng với các tượng đệ tử của ngài. Về phía hai bên tường có tượng hai vị Hộ Pháp Vi Ðà (Skanda) và Kim Cang (Vajra).

Trước Văn Thù Ðiện có tấm bia đá ghi bốn chữ : " Ngũ Ðài Thánh Cảnh" nét chữ của Vua Khang Hy . Trong Ðiện chính giữa là Tượng Ðức Văn Thù, hai bên là tượng Ðức Phổ Hiền và Ðức Quán Aâm. Dọc hai bên tường là dãy tượng Thập Bát La Hán bằng gỗ. Bên gian trái có treo một bức thêu lớn kiểu Tây Tạng, hình Ðức Văn Thù thiên thủ (ngàn tay).

Dãy nhà bên trái chánh điện là nhà bếp, nơi đây có một cái nồi đồng, đường kính 1m7, sâu 1m3 làn từ triều Vạn Lịch nhà Minh. Trên vành nồi có chạm những hình con cá bơi lôi lượn sóng. Người ta vẫn dùng nồi này nấu cháo để đãi chúng sinh trong dịp lể Phật Thành Ðạo (8 tháng 12).

Bên cạnh những truyền thuyết kể trên người ta còn biết trong truyện Thủy Hử có nhà sư Lỗ Trí Thâm(Lu Zhi Shen), vì phạm tội đánh chết người nên trốn vào ở chùa. Lỗ Trí Thâm xin tu tại Ðại Văn Thù Tự núi Ngũ Ðài Sơn này, nhưng vẫn còn tính hung hăng hay trốn xuống núi uống rượu, ăn thịt chó. Một hôm Lỗ Trí Thâm say rượu quá múa côn đập vỡ tượng Hộ Pháp và đánh nhau cả với gần 30 vị sư ở đây. Sau đó, Lỗ Trí Thâm bị đuổi khỏi Chùa và gia nhập nhóm Lương Sơn Bạc, nhưng lúc nào cũng vẫn mặc áo tăng bào.

Vạn Phật Các (Wanfoge Temple)

Chùa Vạn Phật có cổng đi vào từ phía tây, ngày xưa cũng là một phần của chùa Hiển Thông sau này tách ra. Chùa các hai ngôi điện chính : Văn Thù Ðiện và Ngũ Long Thần Ðiện.

Ngôi Văn Thù Ðiện xây năm Vạn Lịch thứ 44 đời nhà Minh., chính giữa có Văn Thù Bồ Tát và hai bên là Phổ Hiển và Quán Thế Âm Bồ Tát. Chung quanh điện có hàng ngàn tượng Bồ Tát gắn trên tường, trong điện còn có một đại hồng chung nặng 3,500kg làm thời nhà Thanh.

Ngôi điện Ngũ Long Thần xây vào thời nhà Thanh, ngay phía cửa là vị Ðệ Ngũ Long thần, đàng sau lưng là 4 vị Long Thần , Long Mẫu và Thần Mưa.

La Hầu Tự (Louhou Temple)

Chùa La Hầu tọa lạc tại phía đông của Chùa Hiển Thông, lập từ thời nhà Ðuờng. Có hai thuyết về tên La Hầu. Một thuyết cho là chữ La Hầu là tên một vị A La Hán, La Hầu La, con của Ðúc Phật Thích Ca. Một thuyết cho là chùa được xây cất bởi hai vị thí chủ người Tây Tạng một vị tên là La , vị kia tên là Hầu, do đó đặt tên chùa là La Hầu.

Chùa được sửa sang thời Hoằng Trị (Hongzhi) đời nhà Minh (1492 TL), có một cái bia ghi rõ điều này. Sang đến thời Vạn Lịch, Thái Hậu họ Lý cúng tiền để tu sửa. Ðến năm Càn Long thứ 57 nhà Thanh (1792 T.L) có hai vị thí chủ người Tây Tạng cúng dường tu bổ toàn diện ngôi chùa và biến thành tông phái Lạt Ma.

Chùa có hai di tích rất đặc biệt là "Tùng Ðiện" và "Liên Hoa kiến Phật". Tùng Ðiện ở bên phải sân chính, là một ngôi điện xây bằng gạch theo kiểu Tây Tạng. Tương truyền nơi đây có một cây cổ tùng, người ta đốn xuống lấy gỗ tạc tượng Ðức Văn Thù, tại nơi cây tùng đó người ta xây lên một ngôi điện thờ. Do đó, người ta gọi là " Tùng Ðiện".

Tại cổng chính có hai con sư tử đá rất lâu đời nhất của Ngũ Ðài Sơn, từ thời nhà Ðuờng. Sau sân rộng là dãy điện thờ : Thiên Vương Ðiện, Văn Thù Ðiện, Ðại Hùng Bảo Ðiện, và hậu điện.

" Liên Hoa Kiến Phật " bày ở nơi hậu điện, do hai vị thí chủ người Tây Tạng hiến cúng. Ðây là một cái đài hoa sen bằng gỗ xoay chuyển được, trên có cái hoa sen với tám cánh sen tỏa ra , trên mỗi cánh chạm trổ tinh vi hình một vị Bồ Tát ngồi. Chính giữa hoa là cái đài sen, có 4 tượng Phật nhìn ra bốn hướng. Phía bên phải của điện có một cầu thang đi xuống từng dưới. Nơi đây có một cái bàn quay, nếu ta quay cái bàn sang trái thì huy động máy móc làm cho các cánh hoa sen mở ra, trông thấy tượng Phật, nếu quay bàn sang phải thì cánh hoa sen cúp lại và che tuợng Phật đi. Thật là độc đáo.

Từ Phước Tự (Cifu Temple)

Phía trên của Chùa Bồ Tát Ðỉnh (ngay cửa sau) là Chùa Từ Phuớc. Ngôi chùa này bị Vệ Binh Ðỏ phá hủy hoàn toàn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Ngôi chùa hiện nay là mới xây lại.

Từ Phước Tự nguyên thuỷ là được xây bởi vị Lạt Ma Nạp Bố Hải tu tại Chùa Bồ Tát Ðỉnh, vào năm Ðạo Quang thứ hai triều Thanh (1822 TL) . Lúc đầu được mang tên là "Thiền Ðường Viện" sau đổi tên là Từ Phúc tự vào ngày 2 tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 9 (1829 TL) . Chùa có hơn 100 phòng, chia ra thành nơi Tiền Ðiện, Chánh Ðiện và hậu liêu. Nơi điện trước có thờ Ðức Di Lặc. Nơi Chánh điện có tượng Ðức Quán Thế Aâm Bồ Tát, 11 đầu và 8 tay (thay vì 3 đầu 6 tay như mọi nơi). Nơi hậu điện có bức bình gỗ chạm trổ tinh vi dài 2m cao 1m, điêu khắc cảnh trí Ngũ Ðài Sơn, cảnh những vị Lạt Ma múa Vajra (kim cương) theo kiểu Tây Tạng quanh đạo tràng (Bodhimanda). Bứùc bình này là tác phẩm điêu khắc thời Ðạo Quang nhà Thanh (1821 TL).

Phổ Hóa Tự (Puhua Temple)

Chùa Phổ Hóa ở cách 2 km thị trấn Ðài Hoài về phía nam. Chùa xây dựa lưng vào núi, phía truớc bằng phẳng, có con suối lớn chảy qua. Muốn vào chùa phải đi qua cây cầu lớn. Nguyên nơi đây ngày xưa là ngôi miếu thờ Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Khi Ðạo Phật phát triển mạnh ở Ngũ Ðài Sơn thì ngôi miếu thờ (đạo Lão) sửa sang lại và đổi tên là Ðế Thích Cung. Vua Ðế Thích ( Sakra-devnam-Indra) là vua nơi cung trời Ðao Lợi, có đến mừng khi Phật giáng sinh, và hằng hỗ trợ Tam Bảo. Chùa xây cất từ năm 1922 đến năm 1935 mới xong. Phiá trước chùa có bức tường chắn dài bằng gạch và đá, có chạm hình con rồng phun nước. Chùa có 5 cái sân rộng, từ sân chính vào có những dãy điện như Thiên Vương điện, Ðại Hùng Bảo Ðiện, Tam Ðại Sĩ điện. Ngoài ra hai bên còn có Ngọc Hoàng Các, Thiền phòng và Tăng Phòng. Ngày nay, vẫn còn tuợng thờ Vua Ðế Thích và Ngọc Hoàng Thượng Ðế tại nơi hậu cung.

Nói tóm lại, Phổ Hóa Tự là một lối biến thiên và hội nhập hai đạo Lão và Phật thành một nơi tôn thờ chung tại Ngũ Ðài Sơn.

Ðại Loa Ðỉnh Tự (Dailuoding Temple)

Xin ghi nhận nơi đây chữ Ðại có nghĩa là mầu xanh đậm (trên là chữ đại duới viết chữ hắc). Loa có nghĩa là con ốc. Ðại Loa Ðỉnh là ngọn núi hình xoáy chôn ốc, mùa xuân toàn thể mầu xanh đậm.

Chùa Ðại Loa Ðỉnh nằm ở trên núi Ðại Loa Ðỉnh, phía hữu ngạn sông Thanh Thủy ở thị trấn Ðài Hoài (Taihuai). Chùa bắt đầu xây dựng năm Thành Hóa đời nhà Minh (1548 TL), được trùng tu lại vào thời Vạn Lịch triều Minh (28 năm sau) gọi là Phật Ðỉnh Tự. Năm Càn Long thứ 16 nhà Thanh được đổi tên là Ðại Loa Ðỉnh Tự.

Ngày xưa, dân Trung Quốc muốn đi hành hương nguyên cả Ngũ Ðài Sơn thì phải mất cả mấy tháng trời mới lễ đủ các chùa của năm quả núi. Nay tại chánh điện Ðại Loa Ðỉnh có thờ năm bứùc tượng Văn Thù, giống như năm bức tượng Văn Thù của năm ngôi Chùa chính ở năm ngọn Ngũ Ðài Sơn. Nguời ta cho rằng thay vì phải leo cả năm ngọn núi mà lễ Ðức Văn Thù, thì nay chỉ lên Ðại Loa Ðỉnh cũng được lễ cả năm tượng Ðức Văn Thù.



Cuộc hành hương của phái đoàn Chùa Giác Hoàng .

Chúng tôi đi bằng xe bus tới phía sau Chùa Từ Phước. Chùa này đã bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, gần đây mới xây lại. Ðây là một chùa xây cất theo phái Lat Ma.

Sau khi vãn cảnh chùa Từ Phước chúng tôi được hướng dẫn băng qua sang cổng sau Chùa Bồ Tát Ðỉnh và xem nhà bếp của chùa có ba cái nồi lớn làm từ thời nhà Minh, mỗi nồi có bán kính 1m, sâu 1m. Chúng tôi đi ra phía trước thì gặp Văn Thù Ðiện. Sân trước của Văn Thù Ðiện khá rộng, nơi đây hãy còn thấy tấm hoành đá ghi bốn chữ "Ngũ Ðài Thánh Cảnh", tô mầu đỏ, là bút tự của Vua Khang Hy. Tại Văn Thù Ðiện, phái đoàn Chùa Giác Hoàng đã đảnh lễ Ðức Văn Thùø và tụng một thời kinh do sư cô Huệ Ân chủ sám.

Ði ra vòng phía trước, chúng tôi gặp ngôi Chánh Ðiện và sân chính, hai bên có lầu chuông và lầu trống. Nhìn ra phiá trước là cổng tam quan, với bốn đại tự "Linh Phong Thắng Cảnh" chữ vàng trên nền xanh. sau đó là 108 bậc thang buớc xuống, mỗi bậc đá rất rộng cỡ 5m bề ngang. Ðứng ở sân chùa ta có thể nhìn bao quát thị trấn Ðài Hoài, cảnh núi non hùng vĩ và các mái chùa trùng điệp, nổi bật nhất là ngọn tháp trắng (Ðại Bạch Tháp). Phong cảnh trông từ sân chùa nhìn ra Ngũ Ðài Sơn thật là đẹp.

Trong khi chúng tôi đi xuống bậc đá thì gặp một vị tăng Trung Hoa đang"nhất bộ nhất bái" đi lên chùa hành hương.

Chúng tôi tiếp tục đi xuống, cũng gặp mấy vị ni rất trẻ cỡ dưới 18 tuổi đang đi lên hành hương. Ðiều này, cho chúng tôi thấy mặc dầu sau mấy thập niên bị đàn áp bởi chế độ vô sản chuyên chế và bị phá hoại bởi cuộc Cách Mạng Văn Hóa, đạo Phật đang phát triển trở lại ở Trung Quốc.

Ði rẽ sang phía tay phải, chúng tôi đi qua cổng Chùa Viên Chiếu, nhưng chúng tôi không vào mà được hướng dẫn đi thăm Chùa Hiển Thông.

Chùa Hiển Thông là ngôi chùa lớn nhất của Ngũ Ðài Sơn. Cổng chính của chùa rất nguy nga, trông tương tự như cổng thành nhà vua, bề ngang cả chục thuớc sâu hàng 4,5 thước. Trên cao có tấm bảng viết dọc với bốn chữ vàng " Ðại Hiển Thông Tự" trên nền mầu xanh.

Trong sân trước Văn Thù Ðiện, có những cây tùng cao, trông như những cái tán che rợp sân chùa. hai bên còn hai căn nha øbát giác, mỗi căn có chứa 1 tấm bia đá, tấm bên trái có khắc bút tự của vua Khang Hi.

Sau khi đảnh lễ tại Văn Thù Ðiện, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong thì tới sân chính Ðại Hùøng Bảo Ðiện. Ðứng bên trái của sân chúng tôi có thể trông lên núi phía sau thì thấy lại cảnh Chùa Bồ Tát Ðỉnh với nhiều bậc thang và cổng tam quan rất là đẹp. Tại nơi chánh điện, Hòa Thượng Thanh Ðạm đã chủ lễ một khóa kinh cầu an cùng toàn thể phái đoàn Chùa Giác Hoàng .

Sau Ðại Hùng Bảo Ðiện là Vô Lượng Ðiện. Ngôi điện này xây bằng gạch, bên quét vôi sơn trắng trông rất dản dị, không có hành lang hay cửa võng, nhưng có đắp 6 bức hoành (mà chúng tôi không đọc hết được ) với nét chữ đại tự rất đẹp. Phía trong điện chính giữa là tượng Ðức Phật Ðại Nhật ngồi trên tòa sen rất cao. Những điều trên đã chứng tỏ là ngôi điện được tạo dựng thời sau này và thờ chính giữa là Phật Ðại Nhật (theo kiểu Mật Tông) nghĩa là lối thờ dung hòa Mật Tông và Ðại Thừa chính thống.

Ngôi điện kế tiếp sau là Thiên Bát Văn Thù Ðiện. Trong điện này, chính giữa có tượng Ðức Văn Thù ba mặt chung lưng vào nhau. mỗi mặt Ngài có 3 đầu và ngàn tay, mỗi tay có cầm bình bát. Do đó mà có tên Thiên Bát Văn Thù Ðiện.

Trở ra, buớc lên chừng 10 bậc ở phía sau, chúng tôi tới sân của ngôi điện bằng đồng. Như phần trên đã tả, ngôi điện này làm toàn bằng đồng kiến trúc thật là độc đáo. Trông ngôi điện nhỏ bằng đồng này, chúng tôi lại liên tưởng tới ngôi chùa vàng ở Nhật Bổn cũng có lối kiến trúc tương tự. (Nhưng chắc chắn là ngôi chùa vàng không cổ bằng ngôi chùa đồng này). Chúng ta nên rõ vào thời nhà Minh, dân chúng hãy còn tiêu tiền bằng đồng, như vậy số đồng để đúc ngôi điện này ngang với bao nhiêu quan tiền góp lại? Ngoài ra chúng tôi được người hướng dẫn chỉ cho vết kiếm chém vào chiếc cột đồng vuông ở phía tây bắc. Người ta kể có hai truyền thuyết: Thuyết thứ nhất, khi vua Khang Hy đến thăm ngôi điện này lần đầu, ông hỏi quần thần là cột đồng này trong có gì, không ai trả lời được ông liền lấy kiếm sắc chém vào cột, nhưng thấy cột trống rỗng không có gì. Thuyết thứ hai, vào lúc tàn thời nhà Minh, có viên tướng Lý Tự Thành làm loạn, không may ông bị quân Thanh đánh bại, ông chán đời cạo tóc đi tu tại Giáp Sơn Tự, tỉnh Hồ Nam. Khi tới thăm Ngũ Ðài Sơn, đứng trước ngôi điện này, ông nghĩ đến thời oanh liệt xa xưa, nên dùng giới đao chém vào cột đồng. Vết chém nay hãy còn và không hề ảnh hưởng tới kiến trúc ngôi điện.

Bước ra phía sau là nơi Hậu Ðiện, như trên chúng tôi đã trình bầy theo tài liệu năm 1993 tại hậu điện người ta trưng bày di tích, ngày nay người ta sửa lại thành nơi thờ tự, chính giữa điện là tượng Ðức Văn Thù, ngồi trên tòa sen, hai bên có 8 bức tượng phái Lạt Ma (vì tượng đội nón chóp theo kiểu Lạt Ma) đứng trong khung kính.

Ra khỏi chùa Hiển Thông, chúng tôi được dẫn sang thăm Tháp Viện Tự.

Sân chùa cũng không lớn, các gian nhà ngang kiến trúc giản dị không màu sắc. Tại ngôi điện lớn trên có bức hoành màu xanh với sáu chữ vàng viết dọc: "Ðại Từ Duyên Thọ Bảo Ðiện", trong điện có thờ Ðức Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát.

Ðứng từ xa chỉ thấy ngôi phù đồ mầu trắng cao vượt trên triền núi, nay vào tận chân tháp thì thấy ngôi tháp rất cao. Chúng tôi chỉ leo bậc thang lên 1 tầng trên tháp mà thôi, và đi quanh những sân chung quanh chân tháp. Sau đó, chúng tôi xuống tầng dưới và đi quanh hành lang vừa đi vừa quay 120 cái bánh xe chuyển pháp, vừa tụng niệm "Án Ma Ni Bát Minh Hồng".

Chúng tôi tiếp tục sang thăm Tàng Kinh Các, đây là ngôi điện hai tầng, trên cao nhất còn có bức hoành màu xanh với 4 chữ đại tự màu vàng viết dọc: "Ðại Tàng Kinh Các", phía dưới ngay cổng vào chính có treo tấm đá màu đen, trên có khắc bài thơ của vua Càn Long.

Rời khỏi Chùa Tháp Viện, chúng tôi tiến sang Chùa Vạn Phật. Chùa cũng có sân khá rộng.

Phía trong Văn Thù Ðiện, chính giữa là tượng Ðức Văn Thù cưỡi Thanh Sư, nhưng hơi khác các bức tượng thường là đầu Ðúc Văn Thù để trần, và có khoác áo choàng bằng vải. các tượng các Ðức Bồ Tát kia cũng choàng áo khoác . Chung quanh tường rất nhiều hàng tượng Bồ Tát nhỏ.

Tại Ngũ Long Thần Ðiện, ngay phía cửa có treo một bức hoành màu đen chữ vàng với hàng chữ "Hữu Cầu Tất Ứng", hành lang phía trước còn có hai cái giá cắm đầy các võ khí cổ xưa.

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi dùng xe bus đến trạm cable car để đi lên thăm Ðại Loa Ðỉnh Tự. Cable car chúng tôi dùng lần này thì nhỏ (hai chỗ ngồi), giống như các loại cable car đi trượt tuyết. Ra khỏi cable car, chúng tôi phải đi bộ một quãng mới vào Chùa. Phía trước chùa là một cái sân rộng có cổng lớn, trên có bảng màu xanh với ba chữ màu vàng "Ðại Loa Ðỉnh". Vào phía trong trước là một ngôi điện nhỏ hình bát giác, có treo một tấm hoành màu đen trên có hàng chữ " Phật Quang Phổ Chiếu, Hữu Cầu Tất Ứng". Phía sau có ngôi điện lớn hơn , trên có bức hoành màu đen chữ vàng "Ngũ Phương Văn Thù Ðiện", ngôi điện này đang sửa chữa nên đóng cửa không được vào.

May nhờ trong phái đoàn có đạo hữu Quả Linh biết tiếng Trung Hoa, nên chúng tôi được vị trụ trì là Như Bảo mời vào đàm đạo và dùng trà. Sau đó, sư trụ trì đưa chúng tôi đi xem ngôi chánh điện mới đang xây cất. Tại đây, xây cất đã gần xong, trần trang trí rất đẹp, có hàng chục thùng gỗ đang khui, trong đựng các tượng đồng từ bên Ðài Loan và các tỉnh ở Trung Quốc gửi về tiến cúng,

Như trên chúng tôi đã mô tả, chùa này được nhiều người tới chiêm ngưỡng vì chùa ở trên núi cao nhất vị trí rất đẹp, hơn nữa chùa lại thờ năm tượng Đức Văn Thù, tượng trưng cho năm bức tượng của các chùa ở năm quả núi Ngũ Ðài Sơn. Dân ở đây quan niệm đi lễ một chùa Ðại Loa Ðỉnh cũng như đi lễ năm chùa ở mỗi ngọn núi Ngũ Ðài Sơn.

Trên đường về khách sạn, chúng tôi lại ghé vào chùa Phổ Hóa. Chùa này có bức tường rất lớn ngăn trước cổng chùa, trên tường có khắc con rồng phun nước.

Chùa tương đối mới, xây cất vào năm 1935. Sau khi vào chiêm bái, chúng tôi được một vị tăng tặng cho mấy tấm ảnh giới thiệu là cách đây 5 năm, nhân có một du khách Ðài Loan, chụp một bức hình dãy núi trước mặt, sau đó nhận ra hình thể dãy núi giống như hình Ðức Phật nằm. Người hướng dẫn du lịch cho biết chúng tôi còn thì giờ, anh ta sẽ đưa chúng tôi tới trước cửa khách sạn Friendship. Tại đây, người ta đã cho xây một nhà mát hình bát giác và có một tấm bia đá khắc hàng chữ : Quan Phật Ðỉnh. Quả nhiên đứng tại sân này chúng tôi trông lên dãy núi trước mặt thì giống như tượng Ðức Phật nằm chắp tay trước ngực. Mọi người trong phái đoàn đều quay phim và chụp hình kỷ niệm.

Sáng ngày hôm sau chúng tôi dùng xe bus đi tới tỉnh Thái Nguyên. Chuyến đi dài cỡ 5 tiếng đồng hồ (250km), đường đi vòng vèo qua những đường đèo cheo leo. Trong cuộc hành trình bằng xe bus này, Hòa Thượng Thanh Ðạm đã ban cho chúng tôi một bài pháp, giảng về danh từ Bồ Tát và các hạnh nguyện của các ngài.

Chúng tôi tới thị trấn Thái Nguyên vào lúc trưa. Thị trấn Thái Nguyên (thuộc tỉnh Sơn Tây) có hơn 2 triệu dân là một thị trấn có nhiều kỹ nghệ thép (vì gần Ðại Ðồng là nơi có nhiều mỏ than đá) và hóa học. Ðây cũng là nơi ngày xưa cha con Lý Uyên và Lý Thế Dân đã dựng cơ nghiệp nhà Ðường ở đây.

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đi thăm chùa Trung Sơn . Chùa này có chứa những kinh cổ từ thời nhà Minh. Chùa khá rộng rãi với cổng tam quan trông rất cổ kính. Tại Chùa có Ðại Bi Ðiện thờ Ðức Quán Thế Âm. Ðiện này do con của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập ra chùa này để tạo công đức cho mẹ.

Lúc 5 giờ chiều, chúng tôi lấy chuyến xe lửa đêm để đi thị trấn Tây An (tỉnh Thiểm Tây).

Nhà ga Thái Nguyên cũng khá khang trang, nhân viên hỏa xa đều ăn mặc đồng phục, chúng tôi được vào phòng đợi hạng nhất. Xe lửa đêm của Trung Hoa toa hạng nhất có giường ngủ cũng khá tươm tất, nhưng phòng vệ sinh ở đầu toa thì hơi bê bối. Chuyến xe lửa đêm mất chừng 7 tiếng, đi liên tục không ngừng. Sáng 7 giờ, chúng tôi tới ga thị trấn Tây An.

Nhận xét